Đại Thanh hoàng hậu Long_Dụ_Hoàng_thái_hậu

Tuyển tú lập Hậu

Năm Quang Tự thứ 11 (1885), Diệp Hách Na Lạp thị tham gia tuyển tú. Sang năm sau (1886), bà lọt vào vòng trong, cùng tham dự có em gái thứ hai, đường muội của bà là con gái Chiếu Tường, và đường cô của bà là con gái Huệ Xuân. Em gái bà được chỉ hôn cho Huệ vương phủ Trấn quốc công Tái Trạch (載澤), đường muội chỉ hôn cho Phu vương phủ Bối lặc Tái Chú (載澍) và đường cô chỉ hôn cho Trấn quốc Tướng quân Thiện Hanh (善亨), con trai thứ ba của Túc Lương Thân vương Long Cần, chỉ có bà được chấp thuận "Lưu bài tử".

Năm Quang Tự thứ 14 (1888), bà tiếp tục tuyển tú. Lần này cùng tham dự có một đường muội khác của Diệp Hách Na Lạp thị, là con gái của người chú Phật Hữu, bị chỉ hôn cho Bối tử Phổ Huân (溥倫) - con trai thứ tư của Cung Cần Bối lặc Tái Trị (载治), kế tự của Ẩn Chí Quận vương Dịch Vĩ. Riêng Diệp Hách Na Lạp thị được chọn tiếp vào trong để ứng tuyển ngôi vị Hoàng hậu.

Vòng cuối tuyển tú năm ấy, quyết định Hậu và phi tần được diễn ra ở Thể Hòa điện (體和殿), và quá trình này này được lưu truyền trong dân gian qua rất nhiều dã sử. Trong đó, phổ biến nhất là câu chuyện truyền miệng từ một vị Thái giám đời Dân Quốc. Lúc này, Quang Tự Đế tuyển chọn 5 tú nữ còn lại là Diệp Hách Na Lạp thị , hai chị em Tha Tha Lạp thị (他他拉氏), con gái Tả Thị lang Bộ Lễ Trường Tự (長敘) và hai con gái của Tuần phủ Đức Hinh (德馨)[3]. Quang Tự Đế đặc biệt để mắt đến con gái của Đức Hinh, định trao ngọc tỷ song Từ Hi Thái hậu kịch liệt phản đối, bắt Quang Tự Đế trao cho cháu gái mình. Vì vậy, Diệp Hách Na Lạp thị được phong Hậu, hai con gái nhà Tha Tha Lạp thị, người em được phong Trân tần, cùng với chị gái phong Cẩn tần, hai con gái nhà Đức Hinh hoàn toàn bị loại. Tuy câu chuyện truyền miệng này khá phổ biến, song căn cứ theo thư tịch tuyển tú, số lượng tú nữ được tuyển thời đó phải có tầm 30 người. Số lượng 5 người như vậy là nhỏ nên thiếu căn cứ, không đáng tin.

Năm Quang Tự thứ 14 (1888), Từ Hi Hoàng thái hậu tuyên bố lễ đại hôn của Đế-Hậu, ngày định hôn là ngày 27 tháng giêng, năm Quang Tự thứ 15 (tức ngày 26 tháng 2 năm 1889 dương lịch). Đang lúc hậu cung chuẩn bị đại lễ thì việc hệ trọng xảy ra: ngày 15 tháng 12 cuối năm ấy (tức ngày 16 tháng 1 năm 1889), lửa cháy phát sinh thiêu trụi Thái Hòa môn (太和門). Thái hậu mặc kệ, bắt buộc lễ thành hôn phải tuân theo quy tắc hôn lễ dành cho Hoàng hậu Đại Thanh, tức kiệu của Hoàng hậu được chở qua Đại Thanh môn (大清門) rồi Thái Hòa môn nhập cung. Do vậy, Thái hậu sai người đẩy nhanh tốc độ sửa chữa, làm một tòa cửa lớn đánh tráo giả Thái Hòa môn. Sự việc được giải quyết khéo léo, nhìn bên ngoài không ai phát hiện ra đây là cửa giả[4].

Đúng ngày 27 tháng 1 năm Quang Tự thứ 15, Diệp Hách Na Lạp thị được tổ chức đại lễ lập Hậu. Ngọ chính canh ba là giờ lành để đón Hoàng hậu, Quang Tự Đế mặc triều phục, ngự điện Thái Hòa, văn võ bá quan ba quỳ chín lạy, Lễ bộ quan viên tuyên đọc chiếu thư sắc phong Hoàng hậu. Lấy Đại học sĩ Ngạch Lặc Hòa Bố (额勒和布) làm Chính sứ, Lễ bộ Thượng thư Khuê Nhuận (奎润) làm Phó sứ, tuyên sách lập Hoàng hậu sách văn[5]:

Hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp thị

朕惟位定乾坤。资始与资生合德。教型家国。治外偕治内交修。被四表而光昭。宜两仪之运协。爰诹吉日。用举彝章。咨尔叶赫那拉氏、乃副都统桂祥之女。教秉名宗。瑞钟华阀。柔嘉范著。敬顺性成。夙娴女训于闺中。珩璜有则。允表母仪于天下。褘翟攸崇。兹奉慈禧端佑康颐昭豫庄诚皇太后懿旨。以册宝立尔为皇后。尔其祗承宠命。勉嗣徽音。勤俭持躬。肃雝布化。侍春晖于长乐。时修温凊之文。布惠泽于掖庭。益播宽仁之誉。陈笾荐豆。襄宗祀而奉馨香。旰食宵衣。翊朕躬以绵统绪。式孚令望。永迓洪禔。钦哉。

...

Trẫm duy vị định càn khôn. Tư thủy dữ tư sinh hợp đức. Giáo hình gia quốc. Trị ngoại giai trị nội giao tu. Bị tứ biểu nhi quang chiêu. Nghi lưỡng nghi chi vận hiệp. Viên tưu cát nhật. Dụng cử di chương.

Tư nhĩ Diệp Hách Na Lạp thị, nãi Phó đô thống Quế Tường chi nữ. Giáo bỉnh danh tông. Thụy chung hoa phiệt. Nhu gia phạm trứ. Kính thuận tính thành. Túc nhàn nữ huấn vu khuê trung. Hành hoàng hữu tắc. Duẫn biểu mẫu nghi vu thiên hạ. Huy địch du sùng.

Tư phụng Từ Hi Đoan Hữu Khang Di Chiêu Dự Trang Thành Hoàng thái hậu ý chỉ, dĩ sách bảo, lập nhĩ vi Hoàng hậu.

Nhĩ kỳ chi thừa sủng mệnh! Miễn tự huy âm. Cần kiệm trì cung. Túc ung bố hóa. Thị xuân huy vu trường nhạc. Thời tu ôn sảnh chi văn. Bố huệ trạch vu dịch đình. Ích bá khoan nhân chi dự. Trần biên tiến đậu. Tương tông tự nhi phụng hinh hương. Cán thực tiêu y. Dực trẫm cung dĩ miên thống tự. Thức phu lệnh vọng. Vĩnh nhạ hồng đề. Khâm tai.

— Sách văn phong Diệp Hách Na Lạp thị làm Hoàng hậu

Sau khi tuyên sách, Phụng nghênh Chính sứ cùng Phó sứ hầu Quang Tự Đế hồi cung, sau đó thì suất lĩnh phụng nghênh các đại thần đi trước đi sau để nghênh đón Hoàng hậu. Cùng lúc đó, Cẩn tần và Trân tần cũng vào cung thông qua Thần Vũ môn (神武門). Sau đó, Từ Hi Hoàng thái hậu thân nghệ lên Từ Ninh cung thăng tọa, Hoàng đế ở Từ Ninh môn hành đại lễ, khiển Chính sứ Ngạch Lặc Hòa Bố cùng Phó sứ Khuê Nhuận nghênh Hoàng hậu đến Từ Ninh cung hành đại lễ, tấu nhạc như nghi. Sau đó, Hoàng đế phụng Hoàng thái hậu đến Sấu Phương Trai, dùng Ngọ thiện. Sang ngày, chiếu cáo thiên hạ[6].

Vô sủng trung cung

Hoàng hậu Diệp Hách Na lạp thị khi tiếp đón các công sứ phu nhân.

Hoàng hậu chọn ngự Chung Túy cung thuộc Đông lục cung. Tuy đứng đầu hậu cung nhưng quan hệ Đế-Hậu không được suôn sẻ. Vốn không có tình cảm, Quang Tự luôn lấy cớ bệnh trong người để xa lánh Hoàng hậu. Tuy một phần vì dung mạo bà tầm thường, lại lớn hơn ông 3 tuổi, nhưng nguyên nhân chính của việc này là vì Hoàng hậu vốn là cháu gái của Từ Hi Thái hậu, người luôn khắt khe và áp đặt Quang Tự Đế mọi việc nên khiến ông cảm thấy bất an. Ngược lại, Quang Tự Đế vô cùng sủng ái Trân tần, nhanh chóng tấn phong Trân phi. Ở bên Trân phi, Quang Tự Đế tỏ rõ sự vui sướng và thích thú. Việc này khiến Hoàng hậu cảm thấy tổn thương và buồn chán. Một số ghi chép cho rằng Hoàng hậu và Trân phi không có giao hảo thực tốt, vì Trân phi tư tưởng hiện đại, cởi mở nên đôi khi vô tình thất lễ với bà[7]. Theo đa số ghi chép thời Mãn Thanh, tính cách của Hoàng hậu không có gì nổi bật, chỉ như một người phụ nữ phong kiến điển hình. Còn theo ghi chép của《Quang Tự triều đông hoa lục - 光绪朝东华录》, Hoàng hậu Na Lạp thị tính tình nhu thuận nhưng không thông minh nhanh nhẹn, không những không được Quang Tự sủng ái mà còn thường xuyên bị Thái hậu giáo huấn. Trong các buổi tiếp đãi các Phi tần, Phúc tấnPhu nhân, bà không thể hiện uy quyền nên có của một Hoàng hậu.

Những năm cuối triều Quang Tự, bà và Thái hậu hay tiếp đãi các Công sứ Phu nhân, từ đó tư liệu đánh giá về bà cũng nhiều hơn, đa phần nhận định Hoàng hậu tuy dung mạo không đẹp, song tính tình hiếu lễ, thích trẻ con. Dù vẫn giữ phong thái cơ bản của Hoàng hậu, song ngôn từ và cử chỉ đều rất gần gũi. Những gia đình thời Dân quốc, khi có ai vào cung tham kiến Hoàng hậu cũng đều nhận xét tương đồng.

Vì là Hoàng hậu, gia đình Diệp Hách Na Lạp thị cũng được trọng vọng. Phụ thân Quế Tường được phong [Tam đẳng Thừa Ân công], sau lại lên Nhất đẳng, em trai bà là Đức Hằng (德恆) cưới con gái thứ ba của Khánh Mật Thân vương Dịch Khuông, còn em trai thứ Đức Kỳ (德祺) cưới con gái của Thượng Kỳ Hanh (尚其亨), hậu duệ của Thượng Khả Hỉ (尚可喜). Gia đình họ Thượng vốn là Hán Quân kỳ, thuộc hàng danh môn, bên cạnh đó đường cô của Thượng thị, lại chính là chính thê của Phật Hữu. Hai em gái của bà, một đã trở thành Trạch Quốc công Tái Trạch phu nhân, một được chỉ hôn cho Thuận Thừa Quận vương Nột Lặc Hách.

Có thể nhìn tổng quan, Từ Hi Thái hậu đối với gia tộc mình tuy hạn chế nam giới nắm chức quyền cao, chỉ có tước vị theo tiêu chuẩn của ngoại thích, thế nhưng bà lại rất chú trọng hôn nhân của nữ quyến, không là danh môn thế gia thì cũng là xuất thân Hoàng tộc, thuộc dòng dõi Thiết mạo tử vương hoặc đặc biệt lại là chi gần Hoàng tộc, tức là những người có khả năng kế vị trong trình tự thừa kế. Đây rõ ràng cho thấy tâm ý của Thái hậu rất thâm sâu, vì nếu Quang Tự Đế tương lai qua đời không con, thì Thái hậu vẫn chọn được người thừa kế từ thân phái là hậu duệ của người nhà của mình.

Năm Quang Tự thứ 26 (1900), Liên quân tám nước đánh vào Bắc Kinh, Hoàng hậu theo Từ Hi Thái hậu và Quang Tự Đế trốn đến Tây An. Năm sau xa giá Hoàng thất về lại Tử Cấm thành. Lúc này Trân phi đã chết, Quang Tự Đế tuy không còn bị giam cầm, nhưng vẫn như cũ ở lỳ trong biệt phòng của mình, do vậy Hoàng hậu và Hoàng đế từ đó cũng không mấy khi gặp nhau. Khoảng thời gian này, bà hay cùng Từ Hi Thái hậu tiếp các Công sứ phu nhân, thực hiện các vai trò của một Hoàng hậu.